Những ngày này, thời tiết khá lạnh. Từ Trường tiểu học Khánh Xuân, thầy giáo Lãnh Văn Quanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường dẫn chúng tôi vào điểm trường thôn Lũng mất khoảng hơn bốn giờ đồng hồ. Đường vào điểm trường quanh co, uốn lượn, nhiều đá cục và khó đi. Thầy Quanh cười chia sẻ: Với giáo dục vùng cao, chuyện vượt núi, rừng đến trường, đến lớp như là cơm bữa. Nhưng có tới 27 năm gắn bó với các điểm bản vùng cao như cô Nông Thị Huyền có lẽ không nhiều người làm được.
Cô giáo Nông Thị Huyền (dân tộc Tày) vừa tan giờ học, cho biết, điểm trường thôn Lũng có năm lớp, bảy giáo viên và 65 học sinh. Do quanh khu vực đều là núi đá vôi, điểm trường luôn thiếu nước, trong khi điện lưới thì chưa có. Mọi sinh hoạt của giáo viên và học sinh rất khó khăn. Phần lớn các thầy giáo, cô giáo đều phải tranh thủ soạn bài vào ban ngày, sau khi tan học. Cô Huyền đã năm lần luân chuyển công tác tại các điểm trường. Mỗi điểm trường có đặc điểm riêng nhưng đều là những điểm ở bản làng vùng cao heo hút, cơ sở vật chất thiếu thốn, học sinh phải băng rừng đi học, trong khi cha mẹ học sinh chưa quan tâm đến việc học của con em mình.
Suốt những năm trong nghề, cô Huyền không thể nhớ hết những ngày cùng đồng nghiệp lặn lội đến các thôn, bản để tuyên truyền, vận động học sinh không bỏ học giữa chừng. Rồi không ít câu chuyện rơi nước mắt của học trò nghèo, kiên trì tới lớp, mùa đông giá rét, chỉ mặc chiếc áo mỏng vừa học vừa run. “Dù dạy học trong điều kiện khó khăn, vất vả nhưng sự hồn nhiên, vô tư của các em học sinh và tình cảm chan hòa, gần gũi của đồng bào dân tộc đã luôn sưởi ấm tình yêu nghề của giáo viên”- cô Huyền chia sẻ. Trong công tác chuyên môn, cô Huyền luôn tích cực trau dồi kiến thức, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để đưa ra phương pháp giảng dạy dễ hiểu, giúp học sinh nắm chắc kiến thức. Những em có hoàn cảnh khó khăn cô luôn ân cần, vỗ về chỉ bảo, coi như con mình. Trong công việc cũng như trong cuộc sống, bản thân cô Huyền luôn gương mẫu và thực hiện tốt nhiệm vụ của người cán bộ giáo viên, luôn tích cực tham gia mọi phong trào và hoạt động của nhà trường. Để nâng cao chất lượng giáo dục, cô Huyền cùng các thầy giáo, cô giáo không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo tài liệu, sách báo. Với sự cố gắng và sự nhiệt huyết với nghề, hằng năm, số học sinh đi học chuyên cần ở các điểm trường đều tăng.
Nói về người đồng nghiệp của mình, cô giáo Đoàn Thị Nguyệt, điểm trường thôn Lũng chia sẻ: “Với giáo viên vùng cao chúng tôi, chuyện vượt khó bám trường, bám lớp không còn xa lạ. Nhưng hơn 27 năm liền xa nhà, bám trường, bám lớp, gắn bó với học sinh như cô giáo Huyền thì thật đáng khâm phục. Cô giáo Huyền luôn là tấm gương để cho các cô giáo vùng cao noi theo”.