Sức khỏe của hệ miễn dịch
Trên thực tế ở các bệnh viện và các phòng khám hàng ngày, phần lớn các Thầy thuốc đều nhận thấy: Những đứa trẻ và cả người lớn nữa có hệ thống miễn dịch tốt đều có sức khoẻ tốt. Hiếm khi bị bệnh, ngoan và thông minh. Phần lớn chúng đều bụ bẫm và bố mẹ chúng cũng cảm thấy rất hạnh phúc.
Hệ miễn dịch tốt sẽ làm cho cơ thể chúng ta ngày càng khỏe mạnh hơn, chống chọi được với các bệnh tật đặc biệt là những bệnh nhiễm trùng và ung thư. Hiện đã có rất nhiều công trình nghiên cứu Y học trên Thế giới và ở Việt Nam đã chứng minh điều đó.
Nhưng làm thế nào để có được hệ miễn dịch khỏe mạnh? Điều đầu tiên là phải có một chế độ ăn uống đủ chất, nhất là ở trẻ em và những thanh thiếu niên. Thức ăn phải đầy đủ các thành phần Protide, Glucide, Lipide, các chất vi lượng, Vitamin..
Trẻ em và người già là đối tượng hệ miễn dịch kém nên cần được bảo vệ trước đại dịch toàn cầu virus corona (nCoV).
Một số công trình nghiên cứu cho thấy, ngoài việc có yếu tố di truyền tốt, việc thêm vào thực phẩm một số chất kích thích hệ miễn dịch cũng có tác dụng tốt. Những chất này phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con người, dễ sử dụng và không có tác dụng phụ.
Cần có lối sống lành mạnh
Cuộc sống lành mạnh, không quá nhiều áp lực ở người lớn và sắp xếp khoa học giữa học tập và vui chơi ở trẻ em sẽ là liều thuốc bổ vô cùng quan trọng nhằm xây dựng hệ thống miễn dịch. Ngoài ra tập thể dục, cuộc sống tích cực, cải thiện môi trường sống hòa mình với thiên nhiên v.v…cũng giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.
Tránh xa và loại bỏ thói quen xấu làm ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và hệ miễn dịch nói riêng như ngủ không đủ giấc, thức quá khuya hay thức đêm và ngủ ban ngày làm đảo lộn đồng hồ sinh học.
Duy trì lối sống lành mạnh, chăm tập luyện thể thao giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Những thói quen khác gây nguy hại không những cho bản thân mà còn cho những người xung quanh như hút thuốc lá, hút thuốc lào, uống rượu quá mức, nghiện game, nghiện bài bạc v.v…
Ở trẻ em, có một vấn đề mà nhiều người hiện nay chưa chú ý đến là sự quân bình của hệ thống các vi khuẩn trong hệ tiêu hoá, sự phát triển bình thường và cân bằng của hệ sinh thái trong đường ruột của trẻ em đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vì có đến 70-80% khả năng đáp ứng tốt của hệ miễn dịch ở trẻ em bắt nguồn từ hệ tiêu hoá và các hạch bạch huyết liên quan đến hệ tiêu hoá. Việc mất quân bình về sinh thái giữa các vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại sẽ làm đảo lộn môi trường trong lòng ruột và gây lên những rối loạn về miễn dịch làm cho đứ trẻ dễ bị mắc bệnh về đường hô hấp hoặc đường tiêu hoá. Thông thường làm viêm phổi và tiêu chảy có kèm theo sốt. Đó cũng là một mối lo lắng gây nhiều phiền toái cho các bậc phụ huynh.
Bú sữa mẹ cũng là một trong những biện pháp rất có giá trị trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh. Bú sữa mẹ còn giúp tăng cường tình cảm giữa người mẹ và đứa bé là tăng thêm tình mẫu tử và cảm giác hạnh phúc ở người mẹ.
Tiêm phòng vaccine cũng là một cách kích hoạt chủ động hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nên tiêm phòng ngay từ nhỏ các bệnh hay lây nhiễm và nguy hiểm cho cơ thể trẻ em như: Viêm gan siêu vi, Sởi, tả, viêm não v.v…
Những thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch
Có một số bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng như kẽm và Vitamin B9 hay folate, cũng như Vitamin A, B6 và C, có thể làm thay đổi phản ứng miễn dịch trong các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm trên động vật.
Ớt chuông: Những quả ớt chuông đỏ bổ dưỡng nhất bởi chúng ở trên cây lâu nhất. So với ớt chuông xanh, ớt chuông đỏ chứa Vitamin C gấp 1,5 lần, Vitamin A gấp 8 lần và beta carotene gấp 11 lần, theo Trung tâm Dinh dưỡng, Ăn kiêng và Sức khỏe của University of the District of Columbia, Mỹ. Đối với ớt chuông vàng, giá trị dinh dưỡng ở mức giữa ớt chuông đỏ và xanh.
Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng chống được bệnh tật.
Gà: Kẽm có trong mọi tế bào và đặc biệt quan trọng cho sự phát triển và chức năng của các tế bào miễn dịch. Nguồn kẽm từ động vật như thịt gà được hấp thụ tốt hơn so với kẽm từ thực vật như các loại đậu (đậu xanh, đậu lăng...) và ngũ cốc nguyên cám (yến mạch, quinoa, gạo nâu). Điều này là do thực vật có chứa axit phytic ức chế sự hấp thụ kẽm, theo Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ.
Nấm: Ăn nấm là cách để tăng mức glutathione bởi một số loại nấm như nấm thông và nấm trắng có chứa một lượng lớn chất chống oxy hóa.
Đu đủ: Đu đủ cũng có một loại enzyme thân thiện với tiêu hóa gọi là papain có tác dụng chống viêm, chưa kể folate, Vitamin B và Vitamin A dưới dạng sắc tố carotenoid để giúp có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.