Ngoài ra, đây cũng là độ tuổi mà nhiều trẻ bắt đầu biết nói lên cảm xúc của chính mình, chẳng hạn trẻ có thể nói với bạn: “Mẹ ơi, con cảm thấy không vui khi phải đi ngủ sớm”. Nếu bé cảm thấy buồn bã về một điều gì đó, con có thể chia sẻ thẳng thắn với bạn, chẳng hạn như: “Mẹ ơi, con đang giận bạn Y.!”.
Cột mốc phát triển quan trọng
- Trẻ 5 tuổi có thể rời xa cha mẹ trong một thời gian nhất định mà không cảm thấy buồn bã quá mức
- Biết chia sẻ đồ chơi với những đứa trẻ khác
- Có xu hướng muốn làm người chỉ huy, đặc biệt là khi chơi với bạn
- Có thể nói dối để làm hài lòng bố mẹ, bạn bè
- Thích ra ngoài chơi, dù đó chỉ là một chuyến đi ngắn ngủi
- Thích chơi trò chơi đóng kịch, chơi với người bạn trong trí tưởng tượng.
Bí quyết cho cha mẹ
Đây là thời điểm quan trọng để bạn bắt đầu dạy trẻ cách để kiểm soát cảm xúc của bản thân. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau:
- Khuyến khích bé kết bạn, tham gia các hoạt động ngoại khóa.
- Dạy bé về các phép tắc cư xử khi giao tiếp như biết nói lời xin lỗi, cảm ơn, làm ơn…
- Trò chuyện với con về cách làm thế nào để trở thành một người chỉ huy. Cho con cơ hội để trổ tài lãnh đạo như tự lên thực đơn cho bữa tối, hướng dẫn cha mẹ làm gì đó theo ý của trẻ (cùng chơi lắp ráp, chơi các trò chơi giả định…).
- Luôn tập trung lắng nghe khi con muốn nói chuyện. Sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi trên trời dưới đất của trẻ.
Ngoài ra, trẻ trong độ tuổi này cũng có thể đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt ở trường. Do đó, bạn cần theo dõi chặt chẽ. Do ở độ tuổi này trẻ vẫn thiếu kỹ năng để xử lý, vì vậy, sự can thiệp của người lớn là yếu tố rất quan trọng.
Cột mốc phát triển nhận thức ở trẻ 5 tuổi
Trẻ trong độ tuổi này bắt đầu hiểu sự khác biệt giữa “đúng” và “sai”. Trẻ cũng hiểu rõ các quy tắc cơ bản và muốn tuân theo để làm bạn hài lòng.
Ngoài ra, một đứa trẻ 5 tuổi cũng có rất nhiều thắc mắc, tò mò về thế giới xung quanh. Bé luôn háo hức được khám phá và học hỏi những điều mới mẻ. Chính vì vậy, bạn sẽ thấy bé sẵn sàng tháo tung mọi thứ để xem chúng hoạt động ra sao. Bé cũng rất hứng thú với các hình khối, màu sắc qua trò chơi xếp hình, lego…
Ở độ tuổi này, trẻ có thể thể hiện nhu cầu và mong muốn của mình bằng lời nói. Ngôn ngữ của trẻ dần trở nên dễ hiểu và trẻ cũng có thể hiểu các hướng dẫn phức tạp hơn từ bạn. Ngoài ra cũng sẽ có lúc bạn gặp phải tình huống trẻ nói không ngừng nghỉ, hỏi liên tục và sử dụng thành thạo những câu cảm thán, từ ngữ đa dạng.
Cột mốc phát triển quan trọng
- Hiểu khái niệm đơn giản về thời gian
- Có thể đếm ít nhất đến 10 hoặc nhiều hơn
- Ghi nhớ và gọi tên ít nhất 4 màu
- Ghi nhớ một số chữ cái
- Gọi tên các sự vật quen thuộc
- Có thể viết được một số chữ cái, con số
- Có thể kể một câu chuyện rõ ràng, rành mạch
- Sử dụng chính xác các đại từ như con, cô, bác…
- Hiểu và thực hiện các mệnh lệnh gồm 3 bước, chẳng hạn: thay đồ, ăn sáng rồi đến trường học
- Hiểu được trình tự của một câu chuyện, cái gì diễn ra đầu tiên, tiếp đó là gì và kết thúc như thế nào
Bí quyết cho cha mẹ
Ở độ tuổi này, bạn cần tránh gây áp lực, bắt ép trẻ phải học đọc và học viết nếu bé chưa sẵn sàng. Thay vào đó, bạn hãy khuyến khích bé vẽ, viết thông qua trò chơi để con thấy hứng thú hơn.