Ngày 8/7/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1340/QĐ-TTg (xem hoặc tải file đính kèm cuối bài) phê duyệt Chương trình Quốc gia Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học. Chương trình quan tâm đặc biệt đến sự đầu tư vào "lứa tuổi vàng" từ 2 – 12 tuổi, nhất là trẻ từ 2 tuổi vừa rời dòng sữa mẹ thì sữa học đường là nguồn bổ sung dinh dưỡng quan trọng bởi khoa học đã chứng minh ở lứa tuổi này, trẻ phát triển 86% thể chất, chiều cao, trí tuệ của một đời người.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… chương trình Sữa học đường được triển khai từ rất sớm, giúp phát triển thể lực, tầm vóc của nhiều thế hệ và tạo thói quen sử dụng sữa hàng ngày cho trẻ em. Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ khoảng 30% dân số biết và có thói quen tiêu dùng sữa, các sản phẩm từ sữa. Trong số 30% dân số sử dụng sữa thì trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước, nguồn lực chính của xã hội – cũng chỉ chiếm xấp xỉ 30%. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu vẫn ở mức rất cao so với thế giới, trong đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 24,6%.
Với tình trạng thể chất thấp kém như vậy, mỗi ngày chậm triển khai cho trẻ uống Sữa học đường là một ngày để lỡ cơ hội phát triển của trẻ.
Trao tặng tài khoản "Sữa học đường" tại Cầu Truyền hình ngày 28/9/2016
1. Mục đích của Chương trình
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Một số mục tiêu chủ yếu:
- Mục tiêu 1: Cải thiện về số lượng và chất lượng khẩu phần ăn thông qua hoạt động cho học sinh mẫu giáo và tiểu học ở các trường, đặc biệt là tại các huyện nghèo; đáp ứng 90-95% nhu cầu năng lượng của trẻ vào năm 2020.
- Mục tiêu 2: 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng;
- Mục tiêu 3: chiều cao của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 – 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010…
2. Ý nghĩa của Chương trình
Việt Nam là đất nước đang phát triển, nhiều gia đình có điều kiện cho con uống sữa, một số trường mẫu giáo, tiểu học cũng cho trẻ uống sữa tại trường trong các bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, trước đó, do chưa có Chương trình Sữa học đường Quốc gia, tỷ lệ trẻ được uống sữa tại trường không cao và không đồng đều. Số trẻ được uống sữa và chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ tại trường chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, trong khi trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không thể tiếp cận được Sữa học đường.
Chương trình "Sữa học đường" là rất cần thiết và có lợi cho học sinh
Vì vậy, Chương trình Sữa học đường được triển khai gắn với an sinh xã hội trên diện rộng (cấp độ khu vực và quốc gia) với sự chỉ đạo từ cơ quan quản lý nhà nước theo Quyết định 641/QĐ-TTg; Quyết định 1340/QĐ-TTg của Chính phủ có nhiều ý nghĩa quan trọng:
- Đảm bảo công bằng xã hội, cơ hội tiếp cận dinh dưỡng công bằng đối với mọi trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.
- Giúp cải thiện chế độ dinh dưỡng nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em; nâng cao thể lực, tầm vóc trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam, tiến tới cải thiện chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam
- Thúc đẩy sản xuất chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi trong nước.
- Thực hiện đầy đủ và trọn vẹn Công ước Quyền trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
3. Tiêu chuẩn về sữa tươi học đường
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 28/9/2016 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ - BYT về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, trong đó quy định:
- Là sản phẩm sữa tươi, đạt tiêu chuẩn theo QCVN 5:1-2010.
- Bổ sung vi chất dinh dưỡng (vitamin và khoáng chất theo nghiên cứu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia).
Trong mục tiêu của Chương trình tại Quyết định 1340/QĐ - TTg có yêu cầu: "Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020".
4. Việc tăng các vi chất vào thành phần sữa học đường
Chiều 16/4/2019, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, nhiều nhà báo quan tâm và đặt câu hỏi về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sản phẩm sữa đang dùng trong chương trình "Sữa học đường được triển khai tại Hà Nội, có phù hợp và được phép hay không?
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế, khẳng định căn cứ Quyết định của Thủ tướng phê duyệt chương trình "Sữa học đường" nhằm cải thiện dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo, tiểu học đến năm 2020 có nêu, việc cung cấp phải đáp ứng được sắt, canxi, vitaminD của trẻ em trên 30% vào năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế tại họp báo
Cũng trong Quyết định trên, không có bất kỳ quy định nào cấm bổ sung các vi chất dinh dưỡng vào các sản phẩm sữa để sử dụng cho chương trình "Sữa học đường". Việc bổ sung các vi chất khác đã nêu trong quyết định là do đơn vị cung cấp sữa thực hiện với điều kiện những vi chất ấy không được vượt quá so với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị dành cho người Việt Nam ở từng độ tuổi khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Nhiên cũng cho biết: với sản phẩm đang được dùng trong chương trình Sữa học đường tại Hà Nội là sữa Vinamilk, căn cứ báo cáo công ty, hồ sợ tự công bố sản phẩm cho thấy, sản phẩm là sữa tươi tiệt trùng, có hàm lượng sữa tươi đạt 99,7% đối với loại không đường và 96% loại có đường. Như vậy, hàm lượng sữa tươi trong sản phẩm trên đạt gần 100% và không có thành phần sữa bột.
Hàng năm, Thanh tra Bộ Y tế đã trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra y tế, trong đó có bao gồm cả việc thanh tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phục vụ chương trình sữa học đường và đã triển khai theo đúng kế hoạch được Bộ trưởng phê duyệt.
Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng Khoa Vi chất -Viện Dinh dưỡng quốc gia phân tích, theo QCVN 5:1-2017/BYT - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng mới nhất do Bộ Y tế ban hành năm 2017, không phải cứ có tên gọi “sữa tươi” thì đều phải 100% nguyên liệu từ sữa tươi.
Bác sĩ Trần Khánh Vân
Cụ thể, quy chuẩn nêu rõ, dù là sữa tươi thanh trùng hay sữa tươi tiệt trùng thì sản phẩm đều phải được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, trong đó, sữa tươi nguyên liệu chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng, và các sản phẩm này có thể bổ sung thêm thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế các thành phần của sữa, đã qua thanh trùng/tiệt trùng.
Bà Vân cũng khẳng định, hàm lượng của các loại vi chất dinh dưỡng được bổ sung vào sữa học đường mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra khuyến nghị phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới dành cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi.
Các vi chất có trong sữa học đường của Vinamilk cũng hoàn toàn phù hợp với mức khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người Việt Nam.
Lý giải thêm về việc Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa gia khuyến nghị bổ sung thêm vi chất vào sữa học đường, bác sĩ Trần Khánh Vân cho biết, việc tăng cường các vi chất dinh dưỡng đã được thực hiện từ lâu trên thế giới.
Tại Việt Nam, không chỉ sữa học đường mà hầu hết các sản phẩm sữa khác, các loại thực phẩm dinh dưỡng khác cũng đều có bổ sung các vitamin và khoáng chất.
5. Tình hình triển khai Chương trình
Chỉ đạo từ Bộ Y Tế
Ngày 28/9/2016, Bộ Y tế đã có công văn số 7125/BYT-BM-TE gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo xây dựng và triển khai "Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sữa học đường” của địa phương và định kỳ báo cáo về Bộ Y tế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 26/11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia Chương trình "Sữa học đường" vừa có Công văn số 7162/BYT-BM-TE gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường triển khai Chương trình sữa học đường.
Bộ Y tế cho biết, ở nước ta, hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn cao (chiếm 23,8%), ảnh hưởng đến tầm vóc, thể lực của người Việt Nam khi trưởng thành. Cá biệt vẫn còn nhiều tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30%, thậm chí một số tỉnh tỷ lệ này còn cao khoảng 35%.
Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương chưa xây dựng Kế hoạch hành động. Trong số các tỉnh có Kế hoạch triển khai cũng chỉ có một số địa phương gửi báo cáo về Bộ Y tế.
Để triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường và thực hiện các chỉ tiêu về cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố thành lập Ban chỉ đạo Chương trình "Sữa học đường" tại địa phương do Lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố là Trưởng ban, Phó trưởng ban thường trực là Lãnh đạo Sở Y tế, ủy viên là các Sở, ngành, đơn vị liên quan; khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Chương trình "Sữa học đường" tại địa phương và ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai Kế hoạch hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.
Tại Hà Nội
Sáng ngày 2/1/2019, tại trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình), Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức Lễ phát động thực hiện chương trình "Sữa học đường" thành phố Hà Nội. Đối tượng thụ hưởng chương trình sữa học đường ở Hà Nội là trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học, đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tự nguyện tham gia. Theo kế hoạch, ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp hỗ trợ 20% và phụ huynh góp 50% với tổng kinh phí dự kiến hơn 4.180 tỉ đồng.
Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vianmilk) chính thức trở thành nhà cung cấp chương trình sữa học đường trên địa bàn TP Hà Nội thông qua hợp đồng trị giá hơn 3.828 tỉ đồng.
Lễ phát động thực hiện chương trình "Sữa học đường" thành phố Hà Nội
Ngày 16/4/2019, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, việc triển khai thực hiện Chương trình "Sữa học đường" tại Hà Nội đã được Sở tổ chức họp báo và cung cấp thông tin. Chương trình này thực hiện chủ trương của Chính phủ về cải thiện tầm vóc cho trẻ em mẫu giáo, tiểu học.
Theo đó, Sở GD&ĐT đã xây dựng đề án và được UBND TP phê duyệt. Sau quá trình tổ chức và chuẩn bị thầu đúng quy định pháp luật đã lựa chọn Vinamilk là đơn vị cung cấp. Đến nay, tỷ lệ học sinh uống sữa theo chương trình đạt gần 90% và được học sinh, phụ huynh đều ủng hộ.
Tại TP Hồ Chí Minh
Sáng 8/10, tại kỳ họp bất thường khóa IX, HĐND TP HCM thông qua đề nghị của UBND thành phố về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách, để thực hiện đề án Sữa học đường cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh giai đoạn 2018-2020.
Trong năm học 2018-2019, chương trình triển khai với trẻ mẫu giáo và thí điểm học sinh lớp 1 tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh. Năm tiếp theo sẽ triển khai với trẻ mẫu giáo, rút kinh nghiệm và mở rộng thực hiện đại trà cho học sinh tiểu học lớp 1. Mỗi học sinh được uống sữa 9 tháng trong một năm học, trừ ba tháng hè; mỗi ngày uống 180 ml sữa.
Thành phố đề xuất kinh phí hỗ trợ theo tỷ lệ: ngân sách 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa 20% và cha mẹ học sinh 50%.
Riêng với học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập (được cấp phép theo quy định của pháp luật) đang học tại các trường thực hiện đề án, ngân sách hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ phần còn lại.
Dự kiến kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2018-2020 là 1.134 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 348 tỷ đồng, cha mẹ học sinh trên 547 tỷ và doanh nghiệp cung cấp sữa trên 239 tỷ.
Ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, khi được giao triển khai tham mưu đề án, Sở đã lấy ý kiến hơn 260.000 phiếu khảo sát và có đến 84% đồng thuận cho trẻ uống sữa tại trường 5 lần mỗi tuần.
"Tất cả dựa trên sự tự nguyện của phụ huynh, học sinh. Về phương án đấu thầu sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp sữa theo đúng quy định của pháp luật", ông Sơn khẳng định.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế TP HCM, vì lý do khách quan, thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định trung bình phải 100 ngày. Nếu bắt đầu tổ chức đấu thầu giữa giai đoạn 1 ngay từ bây giờ đến khi có kết quả trúng thầu là đã hết năm học 2018-2019. Như vậy không kịp cho học sinh uống sữa vào học kỳ II năm học 2018-2019.
Do vậy, Sở Y tế TP HCM đề xuất dời thời gian thực hiện thí điểm đề án tại 10 quận huyện nói trên vào học kỳ I năm học 2019-2020 (từ tháng 9 đến tháng 12-2019). Sau khi thí điểm, UBND TP sẽ báo cáo HĐND TP quyết định việc nhân rộng trên phạm vi toàn thành phố.
6. Sự kiện nóng liên quan tới Chương trình
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) sáng 19/4/2019, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk - khẳng định sẽ có những biện pháp thích hợp khi đề cập vụ báo chí liên quan đến chương trình sữa học đường.
Cụ thể là có một tờ báo điện tử dã có nhiều bài báo đặt nghi vấn rằng sữa học đường có tới 17 vi chất thay vì chỉ có 3 vi chất được bổ sung như quy định trong mời thầu, sữa có hạn sử dụng 8 tháng thay vì 6 tháng như các loại sữa khác trên thị trường, sản phẩm cung cấp cho học sinh không thực sự là sữa tươi khi bổ sung đến 17 vi chất..., một số phụ huynh cảm thấy lo lắng và ngừng cho con uống loại sữa này.
Theo Tổng giám đốc Vinamailk, sẽ tiến hành khởi kiện đối với báo điện tử này theo đúng thủ tục dân sự, khởi kiện ra tòa là cách làm văn minh trong xu thế phát triển bền vững hiện nay mà doanh nghiệp nên làm, để làm trong sạch môi trường đầu tư, kinh doanh tại VN, đồng thời "xử lý thích đáng hành vi truyền thông sai sự thật, gây phương hại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như làm hoang mang trong dư luận xã hội".
"Vinamilk là thương hiệu quốc gia. Thương hiệu của chúng tôi không phải là cái "bị bông" để ai muốn nói gì thì nói. Chúng tôi cạnh tranh công bằng. Nếu ai cạnh tranh không công bằng thì người đó sẽ lãnh hậu quả.