P.V: Thưa Phó Chủ tịch phụ trách, xin đồng chí đánh giá đôi nét về tình hình đội ngũ công nhân lao động Thủ đô hiện nay?
Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Do số doanh nghiệp tăng mạnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đội ngũ CNLĐ Thủ đô những năm gần đây tăng lên đáng kể. Không chỉ lớn mạnh về số lượng, đội ngũ CNLĐ Thủ đô cũng ngày càng nâng cao về chất lượng. CNLĐ hiện đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước.
Đặc biệt, được sự quan tâm chăm lo của các cấp, các ngành, nhất là tổ chức Công đoàn, trình độ học vấn, tay nghề, tinh thần làm chủ, ý thức tác phong của CNLĐ được từng bước nâng lên. Nhìn chung, đội ngũ CNLĐ Thủ đô có bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, tinh thần yêu nước, tư tưởng ổn định, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng. CNVCLĐ Thủ đô luôn đi đầu trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
|
Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa- Phó Chủ tịch phụ trách LĐLĐ Thành phố |
CNLĐ Thủ đô, nhất là lực lượng công nhân trẻ luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, năng động, ham học hỏi, tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức, thích ứng nhanh với với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế... Thế mạnh này giúp đội ngũ công nhân ngày càng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, trong đội ngũ CNLĐ Thủ đô hiện vẫn còn một bộ phận công nhân mà trình độ học vấn, nghề nghiệp hạn chế, chưa được đào tạo căn cơ, chưa quen với tác phong công nghiệp, thiếu tính chủ động sáng tạo trong công việc, số công nhân lao động lành nghề chưa nhiều. Điều này ảnh hưởng phần nào đến chất lượng đội ngũ và vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như trong điều kiện hội nhập quốc tế.
P.V: Ngày càng phát triển lớn mạnh về số lượng và nâng cao về chất lượng, đội ngũ CNVCLĐ, trong đó có CNLĐ trực tiếp đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển của Thủ đô, thưa Phó Chủ tịch phụ trách?
Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Thực tế đã chứng minh, đội ngũ CNVCLĐ trong đó có lực lượng CNLĐ trực tiếp luôn có những đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp phát triển Thủ đô, đất nước, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Đối với Hà Nội, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức song những năm gần đây, nền kinh tế của Thủ đô vẫn đạt mức tăng trưởng khá, GDP năm sau luôn cao hơn năm trước, an sinh, xã hội được cải thiện, diện mạo của Thủ đô ngày càng đổi mới, xứng đáng là địa phương đầu tàu của cả nước. Thành quả đó có sự đóng góp chủ lực của đội ngũ CNVCLĐ, nhất là lực lượng CNLĐ trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội.
Đóng góp của CNVCLĐ Thủ đô với Thành phố thể hiện rõ nét nhất trong lao động sản xuất, công tác. Những năm qua, được sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền, chuyên môn; sự tuyên truyền, vận động, phát động của tổ chức Công đoàn, CNVCLĐ ở khắp các đơn vị cơ sở, nhất là CNLĐ trong các công trường, nhà máy, xí nghiệp, các phân xưởng sản xuất trên địa bàn Thủ đô đã hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là thi đua lao động giỏi, phấn đấu trở thành công nhân giỏi, thi đua phát huy sáng kiến, sáng tạo, thực hành tiết kiệm, tạo khí thế lao động sản xuất sôi nổi, cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vượt qua khó khăn thời khủng hoảng kinh tế.
CNVCLĐ Thủ đô đã phát huy hàng vạn sáng kiến cải tiến được áp dụng vào sản xuất và công tác, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Các phong trào thi đua trong CNVCLĐ Thủ đô cũng đã góp phần tích cực giúp doanh nghiệp phát huy nội lực, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh thời kỳ hội nhập đồng thời trở thành động lực động viên, cổ vũ CNVCLĐ tích cực lao động sản xuất, nghiên cứu sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập, thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô, đất nước.
Qua rèn đức, luyện tài, mỗi năm có hàng chục ngàn công nhân lao động trực tiếp đã trở thành công nhân giỏi, gương sáng kiến sáng tạo các cấp. Đây chính là “nguồn của cải” vô giá đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp và toàn thành phố.
P.V: Xác định vai trò nòng cốt và trân trọng những đóng góp của đội ngũ công nhân, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương tới Thành phố đã có rất nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp chăm lo toàn diện cho đội ngũ công nhân, người lao động, tiêu biểu là những chủ trương, chính sách, giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã xác định giai cấp công nhân đóng vai trò nòng cốt trong các phong trào cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đường lối xây dựng giai cấp công nhân được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, Ban chấp hành Trung ương (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW (ngày 28/1/2008) về “tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã tạo thêm điểm tựa để đội ngũ CNLĐ phát triển và khẳng định vị thế của mình.
Tại Hà Nội, ngay khi có Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Thành ủy Hà Nội đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 32-CT/TU ngày 4/4/2008 "Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Thực hiện Chương trình hành động số 32 của Thành ủy, các cấp, các ngành Thành phố đã xây dựng, triển khai, thực hiện nhiều đề án, dự án nhằm bồi dưỡng, đào tạo và chăm lo cho CNLĐ.
Theo đó, thành phố đã quan tâm và có nhiều chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ CNLĐ như chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho CNLĐ các khu công nghiệp tập trung, quan tâm các dịch vụ xã hội và chính sách an sinh cho người lao động có thu nhập thấp...
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp cũng được các ngành chức năng của Thành phố triển khai quyết liệt nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Qua kiểm tra tại các doanh nghiệp, các ngành chức năng của Thành phố đã truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội của người lao động. Thành phố cũng đã thành lập Ban chỉ đạo thành phố và tổ công tác liên ngành giải quyết kịp thời các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, bảo vệ quyền và lợi ích tập thể cho công nhân lao động.
Đặc biệt hằng năm, Ủy ban nhân dân và LĐLĐ Thành phố đã phối hợp tổ chức đối thoại với CNLĐ trong các khu công nghiệp và chế xuất, thông qua đó đã có nhiều hình thức, biện pháp chỉ đạo nhằm giải quyết kiến nghị chính đáng của công nhân lao động. Điển hình như tại Hội nghị đối thoại giữa đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố với hơn 1.000 công nhân lao động tại khu công nghiệp Nội Bài năm 2019 vừa qua đã có 639 ý kiến kiến nghị bằng văn bản, 22 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của công nhân lao động liên quan đến quyền lợi, chế độ chính sách, đời sống, việc làm của công nhân lao động được gửi tới lãnh đạo Thành phố…Sau đối thoại, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành văn bản số 644/TB-UBND chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện liên quan giải quyết các đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động.
|
Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa- Phó Chủ tịch phụ trách LĐLĐ Thành phố tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại lễ phát động Tháng Công nhân năm 2019. |
P.V: Còn tổ chức Công đoàn Thủ đô với vai trò đại diện của người lao động thì đã chăm lo đội ngũ công nhân như thế nào, thưa Phó Chủ tịch phụ trách?
Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Cùng với các cấp, các ngành và Thành phố, tổ chức Công đoàn Thủ đô cũng xác định rõ vai trò đại diện của mình, luôn quan tâm, chú trọng, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, chăm lo toàn diện cho đội ngũ CNVCLĐ, trong đó có lực lượng CNLĐ trực tiếp.
Các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung triển khai nâng cao chất lượng tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, Hội nghị người lao động hàng năm. Cùng với đó Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể”, Nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động” cũng được LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả.
Nhiều bản Thỏa ước lao động tập thể đã có những nội dung cao hơn pháp luật có lợi cho người lao động. Dưới sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở cũng phối hợp tổ chức đối thoại giữa công đoàn - người sử dụng lao động (hoặc chính quyền) – người lao động để nắm diễn biến, tình hình tư tưởng, giải quyết những kiến nghị, những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, CNVCLĐ, giải quyết các phát sinh trong quan hệ lao động.
LĐLĐ Thành phố đã ký kết nhiều chương trình phối hợp công tác với các cấp, các ngành chăm lo cho CNVCLĐ, đồng thời chủ động tham gia các chương trình kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động tại doanh nghiệp, tích cực phát huy vai trò của Công đoàn trong khởi kiện doanh nghiệp vi phạm việc trích đóng kinh phí công đoàn, nợ đọng bảo hiểm xã hội v.v…
Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động là hoạt động xuyên suốt của tổ chức Công đoàn nhưng trong nhiều năm qua, các hoạt động này được dấy lên thành cao trào vào Tháng Công nhân và Tết Nguyên đán hàng năm. Trong Tháng Công nhân, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phong phú hướng về người lao động với phương châm “Ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn”, đoàn viên công đoàn, công nhân lao động có “Phúc lợi được đảm bảo, quyền lợi được tốt hơn”; còn mỗi dịp Tết Nguyên đán, tổ chức Công đoàn Thủ đô cũng đẩy mạnh các hoạt động chăm lo như trợ cấp cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xe ô tô miễn phí đưa công nhân về quê đón Tết, tổ chức “Tết sum vầy”... đảm bảo tất cả công nhân viên chức đều có Tết đầm ấm, đủ đầy.
Có thể nói, những hoạt động thiết thực của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong thời gian qua đã góp phần cùng Thành phố chăm lo đáng kể cho đội ngũ công nhân, qua đó góp phần khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn với chính quyền, xã hội và người lao động. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn Thủ đô còn đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”… gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thông qua các phong trào đã động viên công nhân, lao động nỗ lực nâng cao trình độ, kỹ năng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
P.V: Thưa Phó Chủ tịch phụ trách, mặc dù đã được các cấp, các ngành và tổ chức Công đoàn quan tâm chăm lo, song thực tế, đời sống của một bộ phận CNLĐ trực tiếp vẫn còn nhiều khó khăn, đồng chí có đồng tình với nhận định này không và trong thời gian tới, tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục chăm lo tốt hơn cho đội ngũ công nhân?
Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Đúng là như vậy. Mặc dù đã được các cấp, các ngành và tổ chức Công đoàn quan tâm chăm lo, tuy nhiên, nếu so với đóng góp chung và với cường độ lao động căng thẳng, đặc biệt trong bối cảnh giá cả tiêu dùng và các loại dịch vụ tăng cao như hiện nay, thì đời sống của một bộ phận CNLĐ trực tiếp vẫn hết sức khó khăn. Tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của họ. Đa số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phải hết sức tằn tiện, dè sẻn trong chi tiêu mà vẫn chưa đủ sống.
Dù Thành phố chủ trương xây dựng nhà ở cho công nhân lao động và đã có một số khu nhà ở CNLĐ tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long - huyện Đông Anh, khu công nghiệp Phú Nghĩa - huyện Chương Mỹ đi vào hoạt động song vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của mọi công nhân. Đa số công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn phải tự lo thuê nhà ở trong các khu nhà trọ chật chội, thiếu thốn, không đủ tiện nghi sinh hoạt và điều kiện an sinh tối thiểu.
Các công trình phúc lợi công cộng, thiết chế văn hóa cho công nhân chưa được đầu tư đầy đủ. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số đơn vị, doanh nghiệp còn vi phạm chế độ, chính sách đối với người lao động, tình trạng doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động vẫn xảy ra.
Để chăm lo tốt hơn cho công nhân, người lao động, trong thời gian tới, LĐLĐ Thành phố cùng các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XVI Công đoàn Thành phố, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Trong đó LĐLĐ Thành phố sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn trong các doanh nghiệp ở khu vực ngoài nhà nước, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tổ chức công đoàn có phát triển vững mạnh, cán bộ công đoàn cơ sở có tâm huyết, bản lĩnh, trình độ vững vàng thì việc chăm lo, bảo vệ công nhân, người lao động mới có thể được thực hiện tốt. Và đương nhiên, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thực chất, hiệu quả, sát cơ sở, người lao động; chú trọng chăm lo toàn diện đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động để khẳng định và ngày càng nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn.
Trước mắt, các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang tập trung triển khai tổ chức tốt Tháng Công nhân năm 2020 gắn với Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động để CNLĐ được thụ hưởng thực sự sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn và toàn xã hội, được có một môi trường sống, làm việc an toàn.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch phụ trách!