Ở giai đoạn này, bé bắt đầu tiếp nhận và phản hồi những thông tin trực quan từ môi trường và mọi người xung quanh một cách rõ nét so với khi được ẵm bồng và nằm trong nôi. Bé thích thú với những điều mới mẻ, đồng thời cũng biểu hiện những cảm xúc và hành động “khó bảo”. Trẻ con khi bước đến độ tuổi bắt đầu những nhận thức của bản thân con trẻ thường thích tự làm mọi thứ theo ý mình, muốn bày tỏ ý kiến và cảm nhận của bé qua vốn từ ít ỏi và những hành động mà nhiều bậc phụ huynh có thể cảm thấy khó chịu như tức giận, khóc lóc, ăn vạ, ném đồ, cắn, bấu, v.v…
Theo các chuyên gia tâm lý, ở mọi độ tuổi, trẻ đều có những biểu hiện tâm lý khác thường. Tuy nhiên, bằng ý thức học hỏi và khám phá, trẻ sẽ dần hiểu chuyện và dễ dàng “hợp tác” với ba mẹ trong những tình huống khiến các bậc phụ huynh khó chịu. Điều cần nhất ở mỗi người cha người mẹ là phải giữ được sự bình tĩnh và thái độ dịu dàng, hòa nhã, dù cho biểu hiện của bé có khó chịu như thế nào. Hãy nhẹ nhàng nói với trẻ những gì ba mẹ muốn một cách rõ ràng, từ tốn, đồng thời cũng nên duy trì thái độ kiên quyết và nhất quán trong mọi việc mình đã quyết định để hồi đáp những yêu cầu vô lý, không hay của trẻ. Cho bé biết rằng ba mẹ hiểu cảm giác của bé và cùng giải quyết vấn đề của con trẻ khi chúng chưa thể tự mình giải thích và điều chỉnh hành vi.
Trong giai đoạn này, 80% cấu trúc chức năng não của bé được hình thành với sự phát triển của hàng nghìn tỷ tế bào não so với 100 tỷ tế bào khi mới sinh ra. Song song với những kiến thức tiếp nhận được từ hai bán cầu não trái phải, bé còn học cách yêu thương và quan tâm từ tình yêu thương của người lớn trong gia đình. Hãy ôm ấp, vỗ về con trẻ, cho bé biết mình được yêu thương. Hãy chú ý quan sát những biểu hiện quan tâm của con trẻ, các bậc phụ huynh sẽ nhận ra sự nhạy cảm của bé với mình và mọi người xung quanh. Sự yêu thương sẽ giúp trẻ hình thành một nhân cách cao đẹp.
Dù yêu thương, các bậc cha mẹ nên để trẻ học cách tự lập càng sớm càng tốt như tự lấy quần áo mình thích, tự xếp giày lên kệ, tự dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong, v.v… Bằng cách hướng dẫn và khuyến khích bé tự làm khi có mình bên cạnh hoặc cho bé biết cách nhờ giúp đỡ khi cần thiết, ba mẹ cần ling động trong xử lý các tình huống và giao tiếp, trao đổi với trẻ một cách hợp lý và nhất quán, cương nhu phù hợp với từng biểu hiện của trẻ.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên tự trau dồi những kiến thức dạy dỗ con trẻ ở nhà, dù trẻ được đi học sớm để có thể hội nhập tốt trong môi trường mới. Để bé vận động phù hợp với lứa tuổi và thể trạng như: lên xuống cầu thang, đi đứng vững, đi xe thăng bằng, nhảy chân sáo, chơi bắt bóng hay những trò chơi vận động khác. Ba mẹ nên khuyến khích trẻ chơi những trò chơi rèn luyện nhận thức kết hợp vận động tay chân.
Nhận thức ngôn ngữ của trẻ ở giai đoạn này cần được bổ trợ từ thói quen đọc sách hình to rõ, ít chữ, được đọc to để trẻ nghe và quen thuộc với âm thanh nhằm sử dụng lại chúng. Các bậc phụ huynh cũng có thể giúp trẻ xâu chuỗi các từ vựng lại thành những câu ngắn và hiểu rõ nguyên nhân của một hành động bằng những câu thể hiện nguyên nhân kết quả như “Nếu con đụng vào ổ cắm điện, con sẽ bị điện giật”, “Con sẽ bị phỏng nếu đụng vào bàn là”, v.v…
Ba mẹ có thể cho con trẻ nhìn đồ ăn và nghe mô tả về thức ăn đó khi cho trẻ ăn, hay cho trẻ đi chơi công viên để biết về các hiện tượng thiên nhiên, màu sắc cây cỏ, mùi hương của hoa, v.v…
Ngoài ra, nghe nhạc hay, êm dịu, vui vẻ cũng là một cách để con trẻ phát triển toàn diện các chức năng não bộ của mình. Bằng việc đồng hành cùng con, hiểu rõ con trẻ, các bậc cha mẹ sẽ là những người đưa đò vững chắc đầu tiên cho mọi phát triển toàn diện của con mình, đặt một nền tảng vững chắc để con tự mình thành công và hạnh phúc trong cuộc đời mình.