Lên 5 tuổi, ý thức tự lập của trẻ sẽ tăng vọt. Đi kèm với sự độc lập ngày càng tăng đó là sự háo hức đối với những sự thật về thế giới xung quanh. Kết hợp với trí tưởng tượng phát triển không ngừng, đây là thời gian tuyệt vời để con học tập khám phá và sáng tạo. Hãy chuẩn bị một số kỹ năng cần thiết cho con bạn ở độ tuổi lên 5 để trẻ phát triển cả về trí tuệ lẫn thể chất.
|
Dạy gì cho trẻ 5 tuổi? (ảnh minh họa) |
Phát triển kỹ năng đọc
Ở tuổi này bé có thể biết hầu hết các chữ cái, ghép một số từ đơn giản, đọc và viết chữ số. Bạn có thể đọc cho bé nghe hoặc dạy cho bé biết đọc. Bé rất thích được đọc hay giả vờ đọc to một cuốn sách.
Bé thích kể lại những câu chuyện đơn giản và đặt câu hỏi trong sách.
Phát triển ngôn ngữ
Ở độ tuổi này bé có thể sử dụng nhiều mô tả hơn trong các câu chuyện. Các câu dài hơn 6 từ, cụm từ kết hợp. Cha mẹ tiếp tục dạy con phát triển ngôn ngữ qua các hoạt động kể chuyện cùng bé.
Phát triển thể chất
Bé 5 tuổi đã phát triển gần như hoàn thiện các vận động cơ bản. Cha mẹ nên hướng dẫn nâng cao, mở rộng các hoạt động thể chất để tăng cường sức khoẻ cho bé như chơi trò tung bắt bóng, nhảy lò cò một chân ... Vẽ cũng là hoạt động tốt cần khuyến khích trong giai đoạn này.
Phát triển cảm xúc
Ở tuổi lêm 5 trẻ có xu hướng thích chơi trong các nhóm nhỏ, muốn cảm thấy mình trưởng thành và có thể dễ dàng cảm thấy tự hào hoặc xấu hổ. Trẻ thể hiện tính cách lãnh đạo qua việc tổ chức các trò chơi, phát minh ra các trò mới cùng bạn bè.
Rèn luyện 5 tính cách quan trọng
Trung thực: Cách tốt nhất để khuyến khích sự trung thực ở con bạn là bản thân bạn trở thành một người trung thực. Giúp con nói lên sự thật, thay vì phản ứng thái quá khi con nói dối bạn.
Quyết tâm: Khuyến khích trẻ tham gia thử thách để rèn sự quyết tâm. Tăng sự quyết tâm ở trẻ, cha mẹ nên tránh khen ngợi quá mức, cung cấp cho trẻ những phản hồi trung thực, đưa ra lời khen một cách nhẹ nhàng và mang tính hỗ trợ nhiều hơn.
Công bằng: Để giúp trẻ em có ý thức thực sự về tính công bằng, cha mẹ cần khuyến khích trẻ thực hiện một số hành động để sửa chữa sai lầm. Nếu biết rằng con bạn đã có hành động xấu với ai đó, hãy giúp trẻ nghĩ ra cách để đền bù, xin lỗi. Vi dụ như bé có thể vẽ một bức tranh cho em gái mình sau khi trêu chọc cô ấy cả ngày. Bằng cách khuyến khích con thực hiện những hành động như vậy, cha mẹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối xử công bằng với tất cả mọi người.
Quan tâm: Dạy con suy nghĩ về cảm xúc của người khác trước khi hành động. Theo thời gian, ngay cả một đứa trẻ nhỏ cũng thấy rằng những lời nói hoặc hành động có thể khiến người khác mỉm cười hoặc cảm thấy tốt hơn. Hơn nữa khi bé cư xử tử tế với người khác, người đó sẽ tốt với bé.
Tình yêu: Hãy để con thấy bạn thể hiện tình yêu thương và tình cảm của bạn đối với người khác trong cuộc sống. Nói với trẻ về việc bạn yêu quý và biết ơn ông bà, cô, chú, anh chị của chúng. Và tất nhiên đừng để một ngày trôi qua mà bạn không tự mình bày tỏ tình cảm với con. Khi con cái tự do bày tỏ tình yêu thương với cha mẹ chính là lúc chúng đã thấm nhuần được giá trị lớn nhất.