Cách dạy trẻ 5 tuổi bỏ tính hung hăng
Từ 3 tới 5 tuổi là độ tuổi mà bé thường xuyên thể hiện sự hung hăng của mình, đặc biệt là khi chơi với các bạn khác, việc đánh bạn hay tranh giành đồ chơi là điều rất dễ bắt gặp. Đơn giản vì ở giai đoạn này, bé chưa có đủ khả năng ngôn ngữ để diễn đạt mong muốn của mình vậy nên hành động xô đẩy được xem như cách trẻ thể hiện điều mình muốn.
Ngoài việc học cách chia sẻ và hợp tác khi chơi cùng các bạn thì bé cũng cần khắc phục được những tính xấu khi chơi. Bé cần hiểu các quy tắc khi chơi đùa và hiểu rằng việc hung hăng khi chơi là điều rất không ổn.
Khi con thể hiện sự hung hăng hay mè nheo để đòi thứ gì đó, nếu bố mẹ đáp ứng thì những hành vi xấu này của con sẽ càng tăng lên. Thay vào đó, hãy cố điều tiết cảm xúc của con bằng việc không nhượng bộ. Nếu bạn không đáp ứng điều con muốn và phớt lờ thì bé dần sẽ nhận ra việc tỏ ra cáu gắt, hung hăng không giải quyết được vấn đề.
Bố mẹ cũng nên làm gương về hành vi cho bé. Nếu bé thấy bố mẹ tỏ ra hung hăng, cáu gắt với sự việc xung quanh thì bé cũng sẽ sao chép hành vi đó với những việc xung quanh mình.
Cách dạy trẻ 5 tuổi biết cách chia sẻ
Trẻ em cần học cách chia sẻ để có thể kết bạn và giữ bạn. Bố mẹ nên dạy con về sự thỏa hiệp và công bằng, nếu chúng ta cho đi chúng ta cũng có thể nhận được một số thứ chúng ta muốn. Tuy nhiên, bố mẹ cũng nên cho con biết là không phải lúc nào cho đi cũng có thể nhận lại.
Chia sẻ là một phần quan trọng của việc hòa đồng với người khác, vì vậy nó càng trở nên quan trọng hơn khi con tới tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo
Vậy đâu là cách dạy trẻ 5 tuổi biết chia sẻ với người khác ?
Trẻ em học được rất nhiều điều từ việc quan sát những gì bố mẹ mình làm. Khi bố mẹ làm gương về sự chia sẻ trong gia đình và ngoài xã hội thì bé sẽ noi theo. Ví dụ khi ăn, bạn có thể dạy bé cách chia phần cho người khác. Khi ra ngoài đường, hãy dạy cho bé cách chia sẻ với những người lang thang cơ nhỡ
Bố mẹ cũng nên giải thích cho con lý do tại sao việc chia sẻ lại tốt cho con và những người khác ví dụ như “nếu con chia sẻ đồ chơi của mình với bạn thì tất cả mọi người đều sẽ vui vẻ. Nếu bạn ngồi nhìn con chơi thì bạn sẽ cảm thấy rất buồn”
Bạn cũng có thể chỉ cho con những tấm gương tốt ví dụ như “con thấy bạn Phong không, bạn cho các bạn khác chơi chung kìa, như vậy là rất giỏi”
Nếu nhìn thấy con nhường đồ chơi cho bạn hoặc thay phiên nhau chơi thì hãy khen ngợi con, điều này sẽ làm con có động lực hơn trong việc chia sẻ với người khác.
Cách dạy trẻ 5 tuổi sử dụng trí tưởng tượng
Đây là giai đoạn mà trí tưởng tượng của con sẽ bắt đầu nở rộ. Thay vì chỉ ngồi giả tiếng còi cứu hỏa và chạy xung quanh thì bé 5 tuổi đã có thể đóng vai một chú lính cứu hỏa và thực hiện hành động dập lửa như thật. Bé cũng có thể chơi trò chăm sóc em bé với những chú gấu bông và búp bê như người thật.
Trí tưởng tượng sẽ giúp bé có khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề tốt hơn, đồng thời giúp bé khám phá bản thân mình thật sự thích gì. Nhưng cách bố mẹ luôn lên lịch sẵn những hoạt động và hối thúc bé thực hiện liên tục sẽ khiến bé không có thời gian riêng để tự suy nghĩ và phát huy trí sáng tạo của mình. Vậy làm thế nào để kích thích bé sáng tạo?
Giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử để bé có nhiều thời gian tĩnh lặng cho bản thân hơn. Tất cả máy móc và màn hình được lập trình sẵn khiến bé phải liên tục dõi theo mà không có thời gian suy nghĩ.
Rất nhiều bố mẹ luôn đưa điện thoại cho con xem vào bữa ăn như một cách để bé ngồi ngoan không quấy phá. Đây là cách tệ hại nhất khiến bé suy giảm khả năng sáng tạo và tư duy. Thay vào đó, bạn có thể cất tất cả các loại máy móc khi tới giờ ăn, khi cảm thấy buồn chán, bé bắt đầu sẽ tư duy xem nên làm gì để vui hơn, có thể bé sẽ bắt đầu chơi với các dụng cụ ăn có trên bàn. Hãy để con tự do hoạt động mà không bị chi phối bởi bất kì chiếc màn hình nào.
Bố mẹ cũng có thể đặt ra những thử thách cho con như làm sao để làm thứ này, thứ kia, làm sao để dọn bàn ăn cơm, làm sao để đi đến trường thật nhanh và xem cách con giải quyết những thử thách này như thế nào. Chắc chắn sẽ vô cùng thú vị vì đa số các bé đều thích những trò chơi thách đố.
Cách dạy trẻ 5 tuổi kết bạn
Bạn bè là một trong những mối quan hệ cần thiết nhất của bất kì ai. Việc dạy cho bé cách kết bạn là một kĩ năng cần thiết không chỉ cho tình bạn mà còn cho những mối quan hệ xã hội sau này.
Bố mẹ có thể dạy con cách kết bạn bằng cách đóng kịch ở nhà với bố mẹ hoặc những chú gấu bông. Hãy dạy con cách chào hỏi với bạn bè bằng những câu đơn giản như “chào bạn”, “ bạn tên gì?”, “ rất vui được gặp bạn”, “hẹn gặp lại lần sau”. Bạn cũng có thể chuẩn bị cho con những món ăn vặt và gợi ý cho con là tặng cho người mà con cảm thấy quý mến nhất.
Hãy quan sát cách con chơi cùng bạn bè ở lớp vào giờ đón con, nếu con quá rụt rè và chỉ ngồi một góc thì hãy nhờ tới sự giúp đỡ của cô giáo. Cô giáo có thể nhờ một bạn nhỏ khác tới bắt chuyện với con và giúp đỡ con phát triển kĩ năng xã hội.
Ở nhà bạn cũng có thể làm gương cho con bằng việc ghé thăm nhà những người bạn, trò chuyện với con về những người bạn ở lớp và dạy con những tính chất cần thiết của tình bạn như: sự chân thành, trung thành và vị tha. Hãy cố dùng những từ ngữ đơn giản vì trẻ ở tuổi này sẽ không hiểu những triết lý phức tạp mà bạn nói đâu.
Ngoài lớp học thì bạn cũng có thể phát triển vòng bạn bè của bé bắt cách đăng kí cho con tham gia những lớp học ngoại khóa như học võ, học vẽ hay mang con đến những cuộc gặp gỡ bạn bè, nơi có những đứa trẻ đồng trang lứa với bé. Tạo cho con nhiều cơ hội gặp gỡ bạn bè là cách dạy trẻ 5 tuổi kết bạn và gìn giữ tình bạn tốt nhất.
Trên đây là 4 kĩ năng mà bạn nhất định phải dạy bé trước khi bé bước vào tiểu học, đây là môi trường đòi hỏi bé phải có những kĩ năng xã hội nhất định để có thể hòa nhập và phát triển tốt. Nếu con chưa thể thích nghi và còn rụt rè, hãy kiên nhẫn và đừng quá lo lắng vì các kĩ năng xã hội có xu hướng phát triển khi bé lớn hơn.
Với những cách dạy trẻ 5 tuổi kể trên, Kiến Guru mong các bố mẹ đã có những bí quyết bỏ túi để giúp con trưởng thành thật tốt và được nhiều người yêu quý.