1/ Đọc cùng nhau
Hãy thường xuyên đọc cho con nghe những câu chuyện nho nhỏ nhưng đầy thú vị. Khơi gợi óc tưởng tượng của bé là một việc làm vô cùng quan trọng trong khoảng thời gian đầu đời. Trí tưởng tượng chính là kẻ dọn đường cho khả năng tư duy không giới hạn của bé. Nhưng còn tuyệt vời hơn thế, đọc cùng nhau là cách rất hay để kết nối mẹ và con. Bằng cách đọc sách cho bé, mẹ không chỉ dạy con những kiến thức hữu ích, bé cũng sẽ nhận biết giọng đọc của mẹ, bắt đầu hình thành thói quen lắng nghe mẹ, tin tưởng mẹ. Một khi có được những điều này, bé sẽ sẵn sàng học hỏi từ mẹ.
2/ Không thể thiếu âm nhạc
Hãy bao bọc con trong một môi trường âm nhạc. Đó là cách hay để dạy con về nhịp điệu, giai điệu. Âm nhạc cũng làm cho con có vốn từ vựng phong phú và nó giúp con phát triển các kỹ năng xã hội và khả năng ghi nhớ sắc bén. Cùng ngân nga theo các giai điệu, lắc lư theo từng nhịp trống cũng mang lại những giây phút thật vui vẻ cho mẹ và bé. Bằng sự kết nối này, bạn không cần phải tốn quá nhiều nỗ lực để trở thành người bạn lớn của con.
3/ Khuyến khích việc chịu trách nhiệm
Từ độ tuổi tập đi, bé đã bắt đầu có ý thức khẳng định sự độc lập của mình. Bạn cũng nên khuyến khích sự phát triển tâm lý hết sức bình thường này ở con. Hãy để bé tự làm những thứ mình có thể như tự xúc thức ăn, tự cầm ly uống nước, đánh răng, rửa mặt… Đây cũng là cách để dạy con về tính trách nhiệm. Nếu có dịp được tham dự một buổi học của con ở trường mầm non, bạn sẽ thấy rằng các bé luôn được khuyến khích chịu trách nhiệm cho việc thu dọn đồ chơi, treo ba lô, cất giày dép, các bé lớn cũng sẽ tự biết cách đi vệ sinh và rửa tay cho mình.
4/ Mỗi ngày một trải nghiệm
Các bé tuổi mầm non nên được cười nhiều, chơi nhiều và thu nhặt những trải nghiệm và vốn hiểu biết qua những trò chơi đó. Đừng dạy con bằng cách bảo con phải thế này, con không được thế kia. Hãy cho con thật nhiều thời gian để nặn bột, xúc cát, trồng và tưới cây, tập làm bánh, chăm sóc thú cưng… Đừng quên chia sẻ cùng con những trải nghiệm đó bằng cách lắng nghe thật chăm chú những gì bé kể về buổi học của mình, những gì bé khoe về thành quả sau một buổi hoạt động. Đừng quên khuyến khích con tham gia vào những hoạt động nào có thể nuôi dưỡng tâm hồn bé, giúp bé kết bạn, giúp bé được vui cười và phát triển các kỹ năng xã hội. Học mà chơi, chơi mà học mới là cách dạy con hiệu quả nhất ở lứa tuổi này.
5/ Tự mặc quần áo và mang giày
Hành động nhỏ này cũng là một phần khuyến khích sự tự lập của bé. Thực ra, các bé từ 2 tuổi trở đi đã rất thích thực hành các kỹ năng này. Mẹ có thể kết hợp việc tập cho bé mặc quần áo, mang giày với một bài hát nào đó. Bé sẽ ghi nhớ trình tự các bước phải làm.
6/ Trò chuyện thật nhiều
Một sự thật mà chúng ta đều nhìn thấy, đó là rất nhiều người nổi tiếng và thành công nhờ vào tài ăn nói của mình. Và không có cách nào để dạy con nói hay, nói giỏi hơn là trò chuyện với bé. Những lần đối đáp qua lại ấy sẽ giúp con mài giũa khả năng tư duy, diễn đạt và trở thành một người ăn nói lưu loát từ lúc nào mẹ cũng không thể biết được đâu! Hãy đặt câu hỏi cho con và giúp bé trả lời bằng những câu hay cụm từ hoàn chỉnh. Bạn cũng có thể chơi những trò chơi phát âm với con, chẳng hạn như phân biệt “tay” và “tai”, “cậu” và “chậu”…
Gia đình bạn có hay trò chuyện với nhau không? Đã bao lâu rồi bạn không biết được là “cô công chúa” nhà mình có thêm bao nhiêu bạn mới hay “nhóc con” nhà mình có đang “tăm tia” nàng nào không? Trò chuyện là sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình, đừng vì bận rộn mà bỏ quên việc chuyện trò…
7/ Cùng con đến trường
Ở tuổi mầm non, con không chỉ học ở nhà mà còn học ở trường nữa. Mẹ hãy thử cùng con trải qua một ngày ở trường, xem con học hỏi như thế nào nhé. Bạn có thể đóng giả làm một vị khách ẩn danh hoặc báo trước với con rằng bạn sẽ đến tham gia hoạt động của cả lớp. Cố gắng đừng chỉ tập trung vào con mà hãy hòa đồng với tất cả các bé khác. Nếu quyết định cùng con đến trường, bạn cũng không nên có suy nghĩ hay nhận xét gì về các bé khác trong lớp. Chúng ta đều biết rằng, mỗi đứa trẻ lớn lên với một nhịp điệu và đặc điểm khác nhau.
8/ Ở bên con nhiều nhất có thể
Khi bạn ở bên con, bé luôn ghi nhận và trân trọng những thời khắc đó. Bé sẽ rất cảm kích khi bạn lắng nghe những câu chuyện thú vị mà mình thu được trong một buổi dã ngoại, hay việc bạn chăm chú đọc sách cho bé nghe mỗi ngày. Bạn không thể tưởng tượng được tình yêu mà bé cảm nhận thấy và sự tự tin bạn đã truyền cho bé lớn như thế nào.