1. Phát triển thể chất nhằm bảo vệ và tăng cường sức khỏe
Bảo vệ và tăng cường sức khỏe là mục tiêu cốt lõi mà hoạt động phát triển thể chất cần đạt được cho dug ở bất cứ độ tuổi nào. Ở lứa tuổi mầm non, trẻ đang trong giai đoạn phát triển nhanh, cơ thể mềm dẻo nhưng sức đề kháng lại yếu, các cơ quan nội tạng vẫn chưa được phát triển hoàn chỉnh.
Mục tiêu bảo vệ và tăng cường sức khỏe bao gồm công tác chăm sóc và rèn luyện trẻ một cách có khoa học. Song song với các hoạt động vận động là chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý. Trẻ cần được cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng và ăn uống hợp vệ sinh, đảm bảo cho trẻ hoạt dộng và ăn uống theo thời gian biểu nhất định.
Hoàn thành tốt mục tiêu này sẽ góp phần củng cố và tăng cường sức khỏe cho trẻ, giúp cơ thể trẻ hoàn thiện chức năng sinh lý, nâng cao khả năng làm việc của các cơ quan bên trong cơ thể. Cùng với đó, phát triển thể chất giúp trẻ có khả năng phản ứng và chống lại tốt hơn trước những ảnh hưởng xấu từ môi trường bên ngoài.
Chính vì lợi ích này mà trong nhiều năm gần đây, Giáo dục mầm non luôn chú trọng việc tổ chức các hoạt động nhằm phát triển thể chất cho trẻ, trong đó có các giờ học thể dục với hình thức và nội dung phong phú, phù hợp với nhu cầu, khả năng và sự hứng thú của trẻ.
Tìm hiểu thêm: 3 bước để lựa chọn ngôi trường mầm non phù hợp cho trẻ
2. Hình thành thói quen vận động
Phát triển thể chất cho trẻ mầm non cần hình thành và phát triển những thói quen vận động cơ bản cho trẻ như đi, chạy, nhảy, bò, leo trèo, ném,…Những thói quen này không những tiết kiệm sức di chuyển cho trẻ mà còn giúp trẻ thúc đẩy sự phát triển hoàn thiện của các cơ quan bên trong.
Bên cạnh đó, phát triển thể chất cho trẻ trong gian đoạn mẫu giáo còn nhằm mục tiêu phát triển những tố chất về mặt thể lực như sự bền bỉ, nhanh nhẹn, khéo léo,…Hình thành cho trẻ một thói quen vận động hợp lý là giúp cho chúng có ý thức trong việc vận động cũng như rèn luyện và bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Trẻ giai đoạn mầm non thường chưa có ý thức luyện tập. Vì thế, ngoài mục tiêu hình thành thói quen vận động cho trẻ thì phát triển thể chất còn phải giúp trẻ yêu thích các hoạt động thể chất, say mê và có hứng thú trong các buổi tập.
Để làm tốt mục tiêu này, giáo viên cần sử dụng các dụng cụ thể thao trong các bài tập cho trẻ như vòng, gậy, bóng,…Dạy trẻ các bài tập chuyện biệt cho từng bộ phận trên cơ thể như chân, tay, ngực, bụng,…hay các bài tập về chuyển động theo hướng trên, dưới, trước sau,….Chúng không chỉ có tác dụng hình thành thói quen vận động tốt cho cơ thể trẻ mà còn giúp chúng phát triển khả năng nhận biết và định hướng trong không gian.
3. Định hình về tính cách
Mầm non cũng là thời kỳ quan trọng trong quá trình hình thành cảm xúc và tính cách của trẻ. Thông qua các trò chơi vận động, các giờ học thể dục thể thao, giáo viên có thể nhận biết và đánh giá tính cách của trẻ dựa vào thái độ hay phản ứng của chúng trước những lời khen – chê từ giáo viên.
Đối với trẻ mầm non thì các hoạt động thể chất hoặc các bài tập có liên quan đến làm việc nhóm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành ý thức kỉ luật, tính trung thực cũng như tinh thần tập trung. Ngoài ra, các bài tập vận động sẽ tác động tích cực đến hệ thần kinh của trẻ, hỗ trợ định hình và phát triển tâm lý. Theo đó, trẻ sẽ có cảm xúc và cách cư xử với mọi người được tốt hơn.
Thông qua các hoạt động phát triển thể chất, bước đầu hình thành một số kĩ năng tư duy cho trẻ, chẳng hạn như kĩ năng so sánh, phân tích, tổng hợp và khái quát vấn đề. Giáo viên có thể kết hợp hoạt động thể chất với các hình thức lao động như: cho trẻ chuẩn bị hoặc thu dọn các dụng cụ sử dụng trong buổi tập, để trẻ tự thay đồ,…Cách làm này khiến trẻ cảm thấy hứng thú và yêu lao động hơn.
Giúp trẻ phát triển thể chất một các hài hòa để từ đó bồi dưỡng và phát triển nhân cách, tình cảm, thẩm mỹ và các kĩ năng xã hội là nhiệm vụ của không chỉ các trường mầm non mà còn cần sự chung tay giúp sức của các bậc cha mẹ. Đồng thời, nhà trường cần có giáo án và những phương pháp phù hợp để mục tiêu phát triển thể chất cho trẻ mầm non thực sự hiệu quả và đem lại giá trị thiết thực.