Giúp trẻ tự tin bằng cách nào? Đó là câu hỏi và cũng là vấn đề được các bậc làm cha làm mẹ vô cùng quan tâm. Điều đó là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn. Bởi gia đình là yếu tố đầu tiên quyết trong việc giúp trẻ trở nên tự tin trong giao tiếp. Điều đó cũng vô tình trở thành con dao hai lưỡi nếu như những bậc làm cha làm mẹ như chúng ta không trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, những điều nên làm và những điều cần tránh trong việc giáo dục, chăm sóc con cái cũng như trong cuộc sống gia đình.
Ở góc độ tiêu cực: chính bản thân cha mẹ có thể là một nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của con trong giao tiếp. Trong thời gian này trẻ là những trang giấy trắng, những điều chúng ta làm sẽ định hướng nhân cách và hành động của trẻ trong tương lai. Bản thân trẻ nào cũng có những khiếm khuyết và thái độ nhìn nhận của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn tới con trẻ. Nếu cha mẹ luôn mặc định những sai sót do con trẻ gây ra là không được như vậy, không đúng như bố, mẹ mong muốn. Vô hình chung làm trẻ thấy mặc cảm, không còn tự tin vào bản thân nữa.
Cha mẹ hãy tìm những điểm tích cực trong khiếm khuyết của con, từ đó con sẽ không thấy quá nặng nề vì suốt ngày bị bố hay mẹ nói “con làm chưa đúng, con ăn quá chậm, con không được…” Tất cả những cấm đoán, những chỉ trích của người lớn sẽ làm trẻ thấy bản thân mình vô dụng, mặc cảm, kém cỏi trong những thiếu sót đó. Từ đó trẻ sẽ không dám thể hiện hết bản thân mình do tâm lý sợ sai và sợ bố mẹ mắng. Dần dần trẻ sẽ thu mình lại và lạ lẫm với môi trường xung quanh mà môi trường là nơi con được thể hiện mình cũng như mở rộng tầm nhìn.
Thay vì cứ đổ lỗi những điểm chưa được của trẻ mà nói lời làm con tổn thương thì bố mẹ hãy lắng nghe, hãy thấu hiểu và khuyến khích con mình bằng những lời nói nhẹ nhàng tình cảm có sự động viên từ đó bản thân mỗi trẻ sẽ biết trân trọng, yêu thương bản thân mình hơn vì khi nhìn lại trẻ thấy gia đình luôn đồng hành cùng mình không còn là sự chỉ chích, sự đổ lỗi và không đi kèm với đó là sự ép buộc từ phía người lớn nữa. Khuyến khích trẻ kể cho mình nghe những câu chuyện nhiều hơn những gì trẻ nghĩ , sự tôn trọng cũng như sự lắng nghe chân thành của bố mẹ sẽ tạo cho trẻ sự yên tâm và con có thể tâm sự cùng bố mẹ nhiều hơn để giải quyết vấn đề. Khi đã giao tiếp tốt với những người gần gũi, thân cận như bố mẹ mình thì khi đó trẻ sẽ dễ dàng giao tiếp với mọi người xung quanh hơn. Gia đình “tâm lý” là động lực to lớn để trẻ cởi bỏ mọi nút thắt dần dần hoàn thiện mình, lạc quan và tự tin trong giao tiếp.
Một đứa trẻ sống trong một môi trường chỉ có bố, mẹ là chưa đủ cho con thể hiện mình. Bố, mẹ hãy chia sẻ cho con biết tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa con người với con người, mối quan hệ bạn bè trong môi trường tập thể, để con tự kết bạn, tự giao tiếp với những đứa trẻ khác. Trẻ sẽ dễ dàng hòa nhập, dễ bắt chuyện với những bạn tầm lứa tuổi như mình. Khi được nói chuyện, được chơi cùng nhau sẽ giúp trẻ tự tin trong giao tiếp.
Có được sự trải nghiệm, khám phá môi trường xung quanh, làm quen với môi trường mới được tương tác các bạn mới, trẻ được thể hiện và khẳng định bản thân mình. Ngoài việc áp dụng những kiến thức này trong gia đình thì việc đưa trẻ tới những môi trường giáo dục chuyên nghiệp cũng là rất cần thiết. Bởi khi đã có những nền tảng do gia đình vun đắp rồi thì việc được tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa, được dạy dỗ và hướng dẫn từ những giáo viên giàu kinh nghiệm sẽ giúp trẻ nhanh chóng có được những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.