Cha mẹ hãy tạo cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ là cách đơn giản nhất để phòng ngừa dịch bệnh mùa hè
Những bệnh lý thường gặp
Bệnh tiêu chảy. Mùa nóng là mùa bùng phát và dễ mắc bệnh tiêu chảy là do nắng nóng, thức ăn dễ bị hư thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy, trẻ hay khát nước nên dễ uống những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh.
Ngộ độc thức ăn. Thời tiết nắng nóng nếu thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là môi trường học đường.
Viêm não Nhật Bản B. Trong mùa nắng nóng, theo ghi nhận của các chuyên gia y tế về bệnh truyền nhiễm thì tỷ lệ mắc bệnh viêm não Nhật Bản B ở trẻ em thường cao hơn mùa mưa. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm nếu bệnh diễn tiến nặng mà không được phát hiện kịp thời.
Bệnh tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, khả năng lây lan rất cao, bệnh liên quan đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường. Bệnh rất nguy hiểm nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh như run chi, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ….
Viêm đường hô hấp trên. Triệu chứng thường gặp ở trẻ là sổ mũi, ho, sốt, thở khò khè, đau họng; nặng hơn có thể gây áp xe thành họng, viêm họng do liên cầu… Khi trời nắng nóng, các bậc phụ huynh cần hạn chế hoặc không cho trẻ ra ngoài.
Bệnh thủy đậu. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp do hít phải những giọt nước bọt trong không khí có chứa virus hoặc do tiếp xúc với vùng da bị tổn thương của người bị bệnh thủy đậu. Đây là một bệnh có tính lây truyền rất cao, nếu trẻ chưa được tiêm phòng hoặc chưa từng bị thủy đậu thì 90% có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc gần với người đang bị thủy đậu.
Bệnh ngoài da. Rôm sảy là bệnh ngoài da rất thường gặp vào mùa hè, trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Biểu hiện là những mụn nước nhỏ li ti xuất hiện ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như: trán, cổ, ngực, lưng... Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết không gây tác hại gì.
Các biện pháp phòng tránh dịch bệnh mùa hè
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để phòng bệnh mùa hè chúng ta phải làm tốt công vệ sinh sạch sẽ nơi ở, ăn chín uống sôi, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa hè là cách tốt nhất để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn uống đủ chất, làm thông thoáng đường thở bằng cách làm sạch đờm nhớt ở vùng mũi họng của trẻ.
Vệ sinh thân thể sạch sẽ. Vào mùa hè, trẻ chơi đùa, vận động ra mồ hôi nhiều, vì thế cha mẹ chú ý thường xuyên tắm giặt, gội đầu, thay quần áo cho trẻ để tránh ngứa ngáy, khó chịu. Không cho quạt xoáy thẳng vào trẻ khi trẻ đang chơi hoặc nằm ngủ. Không cho trẻ ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ chênh lệch quá lớn so với nhiệt độ môi trường bên ngoài. Tránh đưa trẻ đến chỗ đông người, khi ra đường cần đeo khẩu trang, mặc quần áo chống nắng.
Cha mẹ hãy tạo cho trẻ những thói quen vệ sinh tốt như rửa tay sạch sẽ - đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm.
Đưa trẻ đi tiêm phòng theo đúng quy định. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vaccine phòng bệnh nhằm tạo miễn dịch chủ động. Tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vaccine sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng này.
Diệt muỗi, bọ gậy quanh khu vực nơi ở. Diệt bọ gậy (lăng quăng), loại trừ nơi muỗi sinh đẻ, trú ngụ là biện pháp tích cực và hiệu quả nhất. Điều này đặc biệt cần thiết để phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Vệ sinh nhà cửa, vườn, nơi chứa nước; rửa các đồ chứa nước để loại bỏ trứng muỗi, thả cá cờ để diệt bọ gậy. Sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, thoáng mát; không treo mắc quần áo để muỗi không còn chỗ đậu.
Tránh để muỗi đốt. Xua muỗi, đốt hương trừ muỗi, xoa thuốc chống muỗi lên những phần da hở; cho trẻ mặc quần dài, áo dài tay; không để trẻ chơi ở nơi tối tăm, ẩm thấp; cho trẻ ngủ màn kể cả ngủ ban ngày nhất là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Theo dõi những bất thường sức khỏe của trẻ. Cha mẹ phải theo dõi và can thiệp kịp thời khi trẻ sốt đột ngột, co giật. Khi trẻ sốt cao, trước khi đưa trẻ đến bệnh viện, cha mẹ cần bình tĩnh, cắt cơn co giật bằng cách lau mát bằng nước ấm thấp hơn nhiệt độ cơ thể 2 độ C, không nên lau bằng nước đá. Tuyệt đối không nặn chanh vào miệng trẻ đang co giật, hạt chanh có thể vào đường thở, rất nguy hiểm.