Về cơ bản, có một số điểm cần lưu ý. Nếu bệnh nhân có sốt, cần được hạ sốt khi nhiệt độ từ 38,5 độ C trở lên với thuốc hạ sốt là Paracetamol liều 10 - 15mg/kg cân nặng, uống cách nhau 4 - 6 giờ và không quá 5 lần/ngày.
Cần theo dõi thân nhiệt thường xuyên, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi vì nếu trẻ sốt cao mà không được hạ nhiệt kịp thời sẽ có nguy cơ co giật, rất nguy hiểm. Súc họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn vùng hầu họng, tối thiểu là 2 lần/ngày vào sáng và tối.
Trong trường hợp ho nhiều, có thể giảm ho bằng các biện pháp dân gian như ngậm chanh mật ong hoặc dùng các thuốc giảm ho. Nếu là trẻ nhỏ, có thể dùng các thuốc loãng đờm, giảm ho dạng siro.
Chế độ dinh dưỡng cần đa dạng, trong đó chú trọng bổ sung các thực phẩm giàu vitamin như: Vitamin C, vitamin B như các loại hoa quả (cam, bưởi, dừa…), rau xanh và giàu vi chất như giàu kẽm (tôm, cua, thịt đỏ, các loại đậu…).
Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày. Nếu trẻ biếng ăn, có thể cho trẻ uống sữa trong các bữa phụ. Nên ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa.
Ngoài ra, cần lưu ý bổ sung đủ nước cho bệnh nhân. Việc bổ sung đủ nước rất cần thiết ngay cả khi không mắc bệnh nhưng đối với các bệnh nhân mắc Covid-19, việc này còn đặc biệt quan trọng.
Khi thiếu nước, bệnh nhân có nguy cơ bị cô đặc máu, dễ dẫn đến những rối loạn về đông cầm máu, tắc mạch hơn.
Có thể uống nước đun sôi để nguội, nước hoa quả, sữa hoặc sử dụng các dung dịch uống có bù thêm điện giải như oresol đều rất tốt. Khi có sốt, lượng nước được bổ sung cần tăng thêm vì nguy có mất nước cao hơn nhiều.