Tiêm vắc xin bao nhiêu lâu là phát huy tác dụng chống lại COVID-19?
Khi tiêm vắc xin, bạn sẽ cần có thời gian để cơ thể có thể sản sinh lại cơ chế miễn dịch chống lại bệnh COVID-19. Thời gian vắc xin có hiệu lực sẽ tùy thuộc vào từng liều vắc xin, cụ thể:
- 7 ngày sau liều tiêm Pfizer-BioNTech thứ hai.
- 15 ngày sau liều AstraZeneca thứ hai.
- 14 ngày sau liều Moderna thứ hai.
Hầu hết chúng ta đều cảm thấy lo lắng, bồn chồn khi chuẩn bị được tiêm vắc xin COVID-19. Đây là điều hoàn toàn bình thường bởi đây đều là những loại vắc xin được theo dõi trong thời gian ngắn và có ít dữ liệu so với các loại vắc xin khác trên thế giới. Việc vắc xin COVID-19 mới được chế tạo sẽ gây ra lo lắng và do dự ở một số người. Tuy nhiên, theo khuyến cáo thì nên coi vắc xin COVID-19 đã được Bộ Y tế kiểm duyệt là an toàn và chúng ta nên tiêm để chung tay chấm dứt đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.
Điều cần làm khi tiêm vắc xin COVID-19
1. Chuẩn bị trước về các tác dụng phụ có thể gặp sau tiêm
Sau khi tiêm chủng, việc gặp phải tác dụng phụ sau tiêm là điều khá bình thường. Các tác dụng phụ có thể từ nhẹ đến trung bình và kéo dài trong vài giờ cho tới vài ngày. Bao gồm:
- Đau và sưng tại chỗ tiêm
- Đau đầu
- Sốt
- Ớn lạnh
- Mệt mỏi
- Đau cơ hoặc đau khớp
Các tác dụng phụ có thể giống như cảm cúm, thậm chí ảnh hưởng tới khả năng hoạt động hàng ngày của bạn, tuy nhiên chúng sẽ biến mất chỉ sau vài ngày. Các tác dụng phụ thường bắt đầu từ nhiều giờ đến một ngày sau khi tiêm chủng và kéo dài nhất vài ngày sau.
Tác dụng phụ sau tiêm chính là bằng chứng của hệ miễn dịch của cơ thể đang tạo ra kháng thể và đang đào tạo các tế bào khác để bảo vệ bạn chống lại vi rút.
2. Chấp nhận bất kỳ loại vắc xin nào đang có sẵn
Hiện tại Nhà nước Việt Nam đang đứng ra mua và tiêm chủng miễn phí cho người dân. Vì thế, tránh hiện tượng “đi cửa sau” mua vắc xin trái pháp. Bạn có thể nghe được thông tin loại vắc xin này vượt trội hơn loại vắc xin khác. Tuy nhiên, trên thực tế các loại vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép ở Việt Nam đều đã và đang giúp chúng ta phần nào chống lại đại dịch.
3. Luôn luôn đeo khẩu trang khi đi ra nơi công cộng
Đeo khẩu trang sẽ giúp tránh lây lan vi rút COVID-19 khi bạn tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng. Nhất là khi bạn mới đang chuẩn bị tiêm phòng chứ chưa có được kháng thể chống chịu lại với vi rút.
4. Đặt lịch cho mũi tiêm vắc xin thứ hai
Với các loại vắc xin COVID-19 được tiêm phổ biến ở Việt Nam như AstraZeneca, Moderna hoặc Pfizer đều cần phải tiêm 2 mũi. Bạn hãy hỏi và lưu ý kĩ lịch tiêm mũi 2 để sắp xếp công việc đi tiêm theo đúng lịch.
5. Chờ sau tiêm 30 phút để theo dõi phản ứng
Hầu hết các trạm tiêm chủng hoặc bệnh viện đều sắp xếp phòng chờ sau tiêm trong 15 – 30 phút sau tiêm chủng. Đây là thời gian theo dõi các tác dụng phụ nghiêm trọng và xảy ra ngay sau khi tiêm. Ngay cả khi bạn thấy ổn sau khi đã tiêm thì cũng nên tuân thủ thời gian chờ này.
6. Hỏi ý kiến bác sĩ về tình trạng sử dụng thuốc trước khi tiêm
Nếu bạn đang sử dụng thuốc theo toa trước khi tiêm, hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem có thể tiêm được hay không. Bởi phản ứng dị ứng, tình trạng tự miễn và thuốc ức chế hệ miễn dịch có thể gây ảnh hưởng khi tiêm vắc xin COVID-19.
7. Mặc áo ngắn tay khi đi tiêm
Mũi tiêm phòng COVID-19 được tiêm bắp tay, vì thế hãy mặc một chiếc áo sơ mi hoặc áo phông ngắn tay rộng rãi. Trang phục phù hợp sẽ giúp cho bạn tiêm phòng dễ dàng hơn.
8. Đăng ký lại với trung tâm y tế nếu như bạn bị nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19
Nếu như bạn đã có lịch tiêm vắc xin COVID-19 trong thời gian tới tuy nhiên lại bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sốt, ho hoặc được thông báo đã tiếp xúc gần với người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, thì hãy làm theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương về việc tự cách ly tại nhà và xét nghiệm sớm. Thông báo lại với cơ quan tiêm chủng để hủy bỏ lịch tiêm của bạn.
9. Áp dụng một số mẹo để thoải mái hơn khi tiêm chủng
Phần lớn chúng ta khi tiêm vắc xin COVID-19 đều khá căng thẳng và lo lắng. Hãy áp dụng một số cách để giải phóng tư tưởng khi chuẩn bị tiêm:
- Ngồi thẳng lưng trong khi tiêm chủng
- Thả lỏng cánh tay để các cơ được thư giãn
- Hít thở sâu thường xuyên để thư giãn và cố giữ bình tĩnh trước khi tiêm
- Đánh lạc hướng bản thân bằng cách đọc sách, nghe nhạc hoặc nói chuyện với người khác
- Hãy trò chuyện với y tá hoặc bác sĩ ở nơi tiêm chủng cách giúp giảm đau sau tiêm và cách tránh các tác dụng phụ
- Nếu cảm thấy chóng mặt, choáng váng hoặc sắp ngất xỉu hãy báo ngay cho bác sĩ ở điểm tiêm chủng.
>> Xem thêm Thường xuyên bị ngạt mũi có nên tiêm vắc xin COVID-19?
10. Áp dụng phương pháp giúp giảm tác dụng phụ sau tiêm tại nhà
Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt nếu bị sốt cao và đau nhức cánh tay. Cố gắng uống nhiều nước, nghỉ ngơi đầy đủ. Nếu vùng cánh tay tiêm bị đau mỏi thì có thể đắp một chiếc khăn mát lên.
Điều không nên làm khi tiêm vắc xin COVID-19
11. Đăng ảnh tự chụp với thông tin xác nhận tiêm chủng vắc xin của bạn
Bất kỳ ai khi hoàn thành mũi tiêm vắc xin COVID-19 cũng đều cảm thấy vui vì đã góp phần chống dịch và cũng như được bảo vệ khỏi đại dịch. Tuy nhiên, hãy tránh việc đăng ảnh xác nhận đã được tiêm chủng lên mạng xã hội bởi có thể dễ bị mất thông tin. Một số thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh và địa điểm bạn tiêm có thể ảnh hưởng tới việc mất danh tính.
Một số chuyên gia còn cho rằng việc bạn chụp thông tin xác nhận tiêm chủng có thể tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo sẽ sao chép thông tin tiêm chủng của bạn và làm giả giấy xác nhận tiêm chủng. Xu hướng này sẽ tăng lên nếu như một số địa điểm hoặc quốc gia yêu cầu xuất trình thẻ xác nhận tiêm chủng khi tới nơi.
12. Đánh mất hoặc vứt bỏ thẻ tiêm chủng của bản thân
Nếu bạn cần tiêm vắc xin mũi thứ 2, bạn sẽ phải đưa cho bác sĩ thẻ tiêm chủng của bạn mũi đầu nên cần bảo quản thông tin tiêm chủng. Ngoài ra, có thể sau này khi đi tới các nơi công cộng có thể yêu cầu một số bằng chứng về việc đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19.
13. Không tới nơi tiêm chủng đúng hẹn
Việc bỏ lỡ lịch tiêm vắc xin COVID-19 có thể gây lãng phí liều vắc xin. Bởi khi các ống tiêm đã được rã đông chúng phải được sử dụng ngay trong ngày hoặc có thể phải vứt bỏ.
14. Uống thuốc giảm đau trước khi đi tiêm
CDC đã cảnh báo không dùng một số loại thuốc giảm đau hạ sốt như ibuprofen, aspirin và acetaminophen trước khi tiêm chủng. Chưa có nghiên cứu về tương tác của các loại thuốc này với vắc xin COVID-19 và có khả năng chúng có thể làm cho việc tiêm chủng kém hiệu quả hơn. Để an toàn hãy chỉ uống thuốc hạ sốt nếu sau khi tiêm bị sốt cao hơn 38,5 độ C.
15. Không đeo khẩu trang sau khi tiêm
Bạn sẽ không được coi là tiêm chủng đủ liều vắc xin COVID-19 cho đến 14 ngày sau liều vắc xin cuối cùng. Kể cả sau khi đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin Moderna, Pfizer hoặc AstraZeneca, bạn vẫn cần tuân thủ các quy tắc 5K để phòng chống COVID-19 cho bản thân và những người xung quanh.
16. Do dự thông báo các tác dụng phụ
Nếu bạn gặp bất kỳ phản ứng phụ nào sau khi tiêm vắc xin hãy báo lại ngay với cơ quan y tế dù chúng ở mức độ nào. Thông tin về tác dụng phụ sẽ được cơ quan y tế theo dõi và phần nào giúp phát triển vắc xin trong tương lai.