Triệu chứng đau mắt đỏ ở trẻ em
Phần lớn trẻ bị đau mắt đỏ sẽ có các triệu chứng sau:
- Đầu tiên, trẻ bị đau mắt. Sau khi nhiễm virus gây bệnh, mắt trẻ có biểu hiệu xung huyết, làm mắt đỏ.
- Thứ hai, trẻ cảm thấy ngứa, cộm mắt. Điều này khiến trẻ có xu hướng dụi mắt nhiều hơn, mắt ngày càng đỏ hơn.
- Trẻ bị đau mắt đỏ sẽ có nhiều ghèn mắt (rỉ mắt) khi mới ngủ dậy.
- Đôi khi, ở một số trẻ có biểu hiện sốt nhẹ hoặc đau họng…
Tóm lại, triệu chứng chính của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em mà bố mẹ nên lưu ý là mắt đỏ, trẻ hay dụi mắt, cảm thấy cộm và mắt có ghèn.
Những trẻ nào có nguy cơ bị đau mắt đỏ?
Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở bất kỳ đứa trẻ nào. Nguy cơ lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ sẽ cao hơn nếu trẻ có các yếu tố dưới đây:
- Trẻ tiếp xúc với người nhiễm bệnh đau mắt đỏ.
- Trẻ có hệ miễn dịch suy giảm.
- Trẻ có thói quen vệ sinh mắt không đúng cách, thường xuyên đưa tay lên mắt.
- Trẻ sống trong vùng dịch.
Điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em
Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, trẻ bị đau mắt đỏ sẽ được điều trị dựa vào tác nhân gây bệnh, độ tuổi và thể trạng sức khỏe của trẻ. Trẻ bị đau mắt đỏ thường sẽ được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt. Có 3 loại thuốc nhỏ mắt được sử dụng trong điều trị bệnh này:
- Nước muối sinh lý: Đây là loại nhỏ mắt đơn giản nhất. Bệnh nhi có thể được chỉ định rửa mắt hoặc nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.
- Thuốc nhỏ mắt có kháng sinh: Thực tế, có rất nhiều loại kháng sinh có thể sử dụng trong điều trị đau mắt đỏ ở trẻ. Tobramycin (Tobrex) là loại thuốc kháng sinh thường được bác sĩ chỉ định dùng cho trẻ mắc bệnh. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, loại kháng sinh này trở nên khan hiếm. Bác sĩ có thể sử dụng các loại kháng sinh khác như Ciprofloxacin, Ofloxacin, Dyomicin, Neomycin,…
- Thuốc nhỏ mắt có Corticoid: Tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mắt có Corticoid khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân chỉ được sử dụng theo đúng loại thuốc nhỏ mắt và liều lượng do bác sĩ chỉ định.
Cách chăm sóc cho trẻ bị đau mắt đỏ tại nhà
Chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ tại nhà đúng cách giúp tăng hiệu quả điều trị, trẻ nhanh chóng khỏi bệnh. Hơn nữa, điều này còn giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh cho các thành viên trong gia đình cũng như sự tái nhiễm của bệnh.
1. Ngăn ngừa sự tái nhiễm
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em. Do đó, trẻ vẫn có nguy cơ tái nhiễm khi tiếp xúc với những người đang mắc bệnh đau mắt đỏ. Bố mẹ nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ cho trẻ ngay trong khi điều trị bệnh cho trẻ và sau khi trẻ đã hết bệnh.
2. Giữ vệ sinh cho mắt
Vệ sinh mắt là một phần không thể thiếu khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ. Bố mẹ nên lấy một miếng gạc hoặc khăn sạch đã được khử khuẩn thấm ướt với nước, lau sạch mắt, lấy hết ghèn mắt cho trẻ. Đồng thời, bố mẹ có thể kết hợp rửa mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
Lưu ý, bố mẹ nên lau bên mắt bị nhẹ hoặc không nhiễm bệnh trước bên còn lại. Gạc sau khi sử dụng nên bỏ vào thùng rác còn nếu bố mẹ sử dụng khăn, hãy giặt riêng và khử khuẩn chúng sau khi vệ sinh mắt cho trẻ.
3. Giảm sự lây lan của nhiễm trùng
Virus gây bệnh chủ yếu nằm trong ghèn và nước mắt, con đường lây nhiễm bệnh chính của đau mắt đỏ. Do đó, các đồ dùng cá nhân như khăn tay, đồ chơi của bệnh nhân đau mắt đỏ cần được khử trùng hàng ngày và không dùng chung với những người khác để tránh lây lan bệnh.
Đồng thời, trẻ bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Trường hợp bắt buộc đi đến những nơi công cộng, hay bố mẹ chăm cho trẻ cần có biện pháp phòng ngừa phù hợp (đeo khẩu trang, kính chắn bọt, rửa tay với xà phòng khử khuẩn,…).
Các siêu vi gây bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan cho người khác qua nước hồ bơi, gây nên dịch bệnh. Vì vậy, bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ bị đau mắt đỏ đi bơi.
4. Thực hiện lối sống lành mạnh
Về ăn uống, trẻ bị đau mắt đỏ nên được ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống đủ nước. Đồng thời, cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế sử xem tivi và các thiết bị điện tử khác.