1. Tìm hiểu về tình trạng kém hấp thu dinh dưỡng ở trẻ
Khi chúng ta cho trẻ ăn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe, cơ thể sẽ tự động hấp thụ các chất dinh dưỡng và vitamin từ chúng. Tuy nhiên, ở những trẻ kém hấp thu chất dinh dưỡng thì dù vẫn ăn uống bình thường nhưng hệ tiêu hóa của trẻ lại không thể hấp thu các chất dinh dưỡng có trong thức ăn.
Đây là một vấn đề tiêu hóa không hề hiếm gặp và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh kém hấp thu chất dinh dưỡng, cơ thể trẻ sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt một số chất dinh dưỡng quan trọng bổ trợ sự phát triển của cơ thể.
2. Nguyên nhân trẻ kém hấp thu dinh dưỡng
Có không ít những nguyên nhân khiến trẻ kém hấp thu dinh dưỡng. Một số nguyên nhân cụ thể có thể kể đến như:
- Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện: trong giai đoạn đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ chưa thể phát triển hoàn thiện, theo đó khả năng miễn dịch rất non kém nên rất dễ mắc phải các hội chứng rối loạn đường tiêu hóa.
- Chế độ ăn của trẻ chưa hợp lý hoặc chưa phù hợp với lứa tuổi, ví như gia đình để trẻ ăn dặm quá sớm hay không đúng thời gian biểu. Những vấn đề này về lâu dài sẽ khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị quá tải, kéo theo đó là những ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng.
- Loạn khuẩn ruột: loạn khuẩn đường ruột là tình trạng hệ vi sinh đường ruột trở nên mất cân bằng. Tình trạng này cũng chính là nguyên nhân làm gián đoạn và giảm hiệu quả quá trình hấp thu dinh dưỡng ở trẻ.
Ngoài ra, không dung nạp đường lactose cũng là nguyên nhân khiến trẻ khó hấp thu dinh dưỡng.
3. Triệu chứng của trẻ kém hấp thu chất dinh dưỡng
Trẻ kém hấp thu dinh dưỡng nếu kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Đặc biệt, sự suy giảm hệ miễn dịch của trẻ dễ khiến trẻ dễ mắc phải các bệnh lý viêm nhiễm. Vì vậy, gia đình cần biết các dấu hiệu ban đầu ở trẻ kém hấp thu chất dinh dưỡng để xử lý kịp thời, giúp trẻ mau chóng cải thiện tình trạng bệnh:
- Trẻ có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và ói mửa;
- Xuất hiện triệu chứng tiêu chảy hoặc phân lỏng sệt (có lượng nhiều);
- Sức đề kháng yếu, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng;
- Có dấu hiệu sụt cân hoặc tăng cân rất chậm;
- Da dẻ khô, dễ bầm tím dù chỉ va chạm nhẹ;
- Tính khí thay đổi, hay quấy khóc và dễ cáu gắt.
Ở những trẻ hấp thu chất dinh dưỡng thì tình trạng tiêu chảy mãn tính (hoặc liên tục) chính là một triệu chứng rất phổ biến. Do đó, cha mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ có triệu chứng bệnh trên để kịp thời xử lý, đưa ra các biện pháp điều trị cần thiết.
4. Trẻ kém hấp thu nên ăn gì?
Trẻ kém hấp thu dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu kém hấp thu, cha mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm sau đây:
4.1. Các loại thực phẩm giàu chất đạm (đặc biệt ưu tiên đạm có nguồn gốc từ động vật)
- Sữa: Tốt nhất trẻ nên được bú sữa mẹ, nếu trong trường hợp không thể hoặc người mẹ không có đủ sữa thì nên cho trẻ dùng sữa bột công thức có hàm lượng năng lượng cao với mục đích đảm bảo được năng lượng cũng như thành phần dinh dưỡng.
- Trứng: Đây là loại thức rất bổ và tốt cho trẻ bởi trứng chứa nhiều chất đạm, chất béo, muối khoáng cùng các loại vitamin. Chất đạm có trong trứng mang đầy đủ các acid amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối, chính vì vậy cơ thể trẻ có thể dễ dàng hấp thu. Về giá trị dinh dưỡng, lòng đỏ trứng có nhiều chất đạm, chất béo, muối khoáng và các loại vitamin nên hãy cha mẹ ưu tiên cho trẻ ăn lòng đỏ trứng.
- Thịt: Với hàm lượng dinh dưỡng cao, thịt là thực phẩm rất phù hợp cho những trẻ kém hấp thu dinh dưỡng. Khi trẻ trên 1 tuổi, gia đình có thể dùng thịt nạc vai, thịt mông sấn trong khẩu phần ăn để tăng thêm năng lượng cho trẻ.
- Cá, tôm, cua: Ngoài những thực phẩm trên thì hải sản cũng là những loại thực phẩm mà cha mẹ nên tăng cường cho trẻ, vì chúng có chứa nhiều chất đạm, dễ tiêu hoá hơn đạm thịt. Ngoài ra, nhóm thực phẩm này còn chứa nhiều canxi, phốt pho rất tốt trong việc phòng ngừa chứng còi xương ở trẻ.
4.2. Các loại thực phẩm giàu chất béo
Ngoài chất đạm, chất béo cũng là nguồn năng lượng quan trọng cần có trong mỗi bữa ăn của trẻ. Với cùng một hàm lượng, chất béo sẽ cung cấp gấp đôi năng lượng cho trẻ so với chất đạm và tinh bột. Ngoài ra, các vitamin tan trong dầu cũng được hấp thu và cung cấp các acid béo no cần thiết. Do vậy, cha mẹ cần phải đảm bảo cho trẻ ăn đủ lượng dầu, mỡ để cung cấp đủ cho nhu cầu năng lượng theo lứa tuổi của trẻ.
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý nên cho trẻ ăn cả mỡ động vật (đặc biệt là mỡ gà) lẫn dầu thực vật, vì chúng sẽ cung cấp acid béo chưa no rất tốt cho sự hấp thu của trẻ, cũng như những acid béo no cần cho sự chuyển hoá trong cơ thể.
4.3. Các thực phẩm giàu glucid
Gạo và mì là những thực phẩm rất giàu glucid. Với lượng lớn trong khẩu phần ăn sẽ đóng rất vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho trẻ. Ngoài ra, gia đình cần chú ý cho trẻ uống đủ nước, ăn đủ rau và hoa quả tươi để cung cấp đủ chất xơ, các vitamin cần thiết và các yếu tố vi lượng.
5. Các giải pháp bên cạnh khác
Để trả lời cho câu hỏi “Trẻ hấp thụ kém phải làm sao?” thì ngoài cho trẻ có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, phụ huynh cũng cần:
- Tạo cho bé thói quen vệ sinh cá nhân và vệ sinh thân thể sạch sẽ: Trẻ cần được vệ sinh, rửa tay chân sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đồng thời có thói quen vệ sinh thân thể, đánh răng hằng ngày. Với trẻ đang bú, người mẹ cần vệ sinh tay chân và bầu vú sạch sẽ trước khi cho con bú. Giữ cho môi trường sống của trẻ luôn được sạch sẽ thoáng mát;
- Cải thiện hệ vi sinh đường ruột và bổ sung enzym đường tiêu hóa;
- Nâng cao sức đề kháng của trẻ bằng sữa non (colostrum) kết hợp với immune alpha nhằm ngăn ngừa tình trạng kém hấp thu do bệnh tật hoặc nhiễm khuẩn;
- Tăng cường vận động cho bé để tăng sự co bóp của ruột, có ích trong việc tăng khả năng tiêu hóa ở trẻ;
- Tẩy giun định kỳ với những trẻ trên 24 tháng tuổi.
Kém hấp thu dinh dưỡng ở trẻ không phải là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng cần được điều trị đúng cách và kịp thời để tránh những ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện kém hấp thu dinh dưỡng, để xác định chính xác nguyên nhân cũng như mức độ kém hấp thu ở trẻ thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để tiếp nhận thăm khám, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả.